logo

MASTER CONTENT CAMP LEVEL 1

CÂU CHUYỆN 1: HÀNH TRÌNH TỰ LẬP CỦA TÔI

Hành Trình Tự Lập Của Tôi

Tự lập là một hành trình chứ không phải là đích đến. Trên hành trình đó ta sẽ đi qua rất nhiều thăng trầm của cuộc sống. Bạn sẽ không còn được bao bọc trong vòng tay của gia đình. Sẽ tập sống dần với bao nỗi lo về miếng ăn, chốn ở, sẽ hiểu thế nào là khó khăn, là vấp ngã, là thất bại, là tủi nhục và đau đớn. Khi bạn tự lập trong cuộc sống, thành công và đích đến của bạn không còn là những thang điểm 10 tròn trịa nơi trường học, sẽ không có ai cấp bằng khen thưởng cho bạn. Tất cả sẽ được nhân rộng ra nhiều hơn nữa, khó khăn cũng sẽ liên tiếp dồn dập đến.

Nhưng phần thưởng dành cho ai vượt qua được những chuỗi ngày đó còn lớn lao hơn rất nhiều lần so với những gì bạn đã trải qua. Bạn sẽ trưởng thành hơn, sống ý nghĩa hơn, bạn sẽ được gia đình và xã hội công nhận,.. Và tin tôi đi, bạn chắc chắn sẽ rất mãn nguyện và hạnh phúc với những gì bạn làm được.

Điều tôi mong đợi nhất ở cuốn sách này là được chia sẻ câu chuyện tự lập của tôi đến với các bạn. Bởi tôi tin chắc rằng, câu chuyện này sẽ chứng minh được điều tôi muốn truyền đạt đến bạn.

Câu chuyện mà tôi sắp kể đây hoàn toàn là có thật, hoàn toàn đã xảy ra với tôi. Câu chuyện là những trải nghiệm, là những xúc cảm trong đó có không ít những nụ cười và cả những giọt nước mắt trong hành trình tự lập của tôi. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian đó, tôi vẫn chưa thể tin được, mình đã từng đi qua những ngày tháng đó.

Điều tôi thực sự mong muốn và khao khát khi chia sẻ câu chuyện này với bạn là khi gấp lại câu chuyện này, bạn sẽ ngay lập tức xông pha để tự lập, bạn sẵn sàng làm mọi thứ để tự lập, bạn sẽ hoàn toàn có niềm tin với chính mình rằng: “Bạn hoàn toàn có thể tự lập, dù cho bạn là bất kỳ ai, cho dù bạn là những người chưa bao giờ tự lập và cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc tự lập, và cho dù bạn là ai, bạn đang sống như thế nào, hoàn cảnh của bạn có tồi tệ hơn tôi thế nào chăng nữa.

Tôi muốn bạn hãy sẵn sàng để bắt đầu một cuộc sống tự lập, tôi muốn bạn sẽ có động lực ngay giờ phút bạn đọc xong câu chuyện của tôi để luôn cố gắng, nỗ lực, kiên trì, bền bỉ, hành động liên tục và liên tục. Tôi làm được, và bạn cũng sẽ làm được.

Tôi sinh ra ở một vùng quê đất Hà Tĩnh, trong một gia đình nông dân nghèo. Rất nhiều thế hệ trước của gia đình tôi đều xuất thân từ những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm làm lụng vất vả cũng chỉ mong kiếm đủ miếng cơm. Nhà tôi có 4 anh chị em, cuộc sống vốn đã rất khó khăn từ khi tôi còn nhỏ. Chúng tôi cũng không có suy nghĩ nhiều về sự học bởi ba mẹ tôi gắng gượng mãi cũng không đủ tiền nuôi 4 anh chị em chúng tôi ăn học.

Bố tôi sức khỏe không được tốt nên không thể làm được những công việc nặng nhọc như bốc vác, làm thợ hồ… Nguồn thu nhập chính của nhà tôi phụ thuộc vào việc mẹ tôi đạp chiếc xe đạp thống nhất cũ kĩ đi bán mắm ruốc vào mỗi buổi sáng. Vì thế mà gia đình tôi luôn luôn nằm trong cảnh túng thiếu và nợ nần.

Từ nhỏ tôi và chị tôi đã quen với cuộc sống mò cua bắt ốc để kiếm thêm tiền đỡ đần ba mẹ. Năm tôi lên 8 tuổi, mẹ tôi sinh ra em trai của tôi, đó là đứa con thứ 3 trong gia đình, năm tôi lên 10 tuổi, mẹ tôi lại sinh đứa con thứ 4, là em gái út của tôi. Thực sự mà nói thì 2 đứa em của tôi được sinh ra là hai lần lỡ kế hoạch của ba mẹ. Kết quả là gia đình tôi đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mẹ tôi sinh 2 đứa em liên tiếp nên không thể đi làm, bố tôi không có sức khỏe nhưng vẫn phải đi làm bốc vác nặng để nuôi cả nhà.

Tôi còn nhớ rất rõ lần đó mẹ định mang đứa em gái thứ 4 của nhà tôi đi cho người khác. Gia đình tôi quá khó khăn rồi, nếu cứ tiếp tục như vậy chắc sẽ ngày càng cùng cực. Tôi còn nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, có một cặp vợ chồng đã chạy xe lên nhà tôi để mang đứa em gái của tôi đi. Sau một thời gian bố mẹ tôi bàn bạc với nhau, đã quyết định sẽ mang đứa em của tôi cho một nhà rất giàu nhưng cuối cùng vì thương con quá nên mẹ không nỡ cho đi. Và thế là nhà tôi lại tiếp tục sống thêm những ngày tháng khó khăn tiếp theo.

Năm tôi lên lớp 6, vì khó khăn quá nên mẹ bảo tôi qua nhà gì tôi ở huyện khác, ở bên đấy gì nuôi ăn học, những buổi nghỉ học ở nhà phụ việc nhà giúp gì là được. Nhà tôi khó khăn quá, nếu ở lại thì gánh nặng cho bố mẹ mỗi ngày một lớn, thế là tôi cũng quyết định chuyển trường qua đấy học. Qua bên đấy được 3 ngày thì tôi nhớ nhà quá, tôi không thể nào chịu được và tôi quyết định bỏ về, tối hôm đấy về đến nhà, tôi quỳ xuống trước mặt mẹ và nói: “Con không đi nữa đâu, con sẽ ở nhà, con sẽ làm bất cứ việc gì để giúp ba mẹ”. Kết quả là mẹ để tôi ở lại nhà tiếp tục đi học.

Năm tôi lên cấp 2, tôi đã biết kiếm tiền, để sắm quần áo mới đi học và mua sách vở. Tôi đã làm rất nhiều công việc khác nhau từ mò cua, bắt ốc đến dọn vệ sinh, phục vụ, bồi bàn… Những khoản tiền tôi kiếm được tôi đưa về hết cho mẹ, và nó đủ để tôi đóng tiền học và sắm sửa quần áo. Kể từ đó cho đến khi kết thúc cấp ba, cuộc sống của tôi luôn luôn theo một chu kỳ, sáng đi học, chiều đi chăn trâu, tối mò cua bắt ốc, đêm khuya học bài.
Điều làm tôi hãnh diện nhất lúc ấy không phải là tôi đã biết kiếm tiền mà là suốt 12 năm học tôi dù không có điều kiện để đi học thêm như những bạn bè của tôi, nhưng tôi luôn nằm trong tốp những học sinh xuất sắc nhất của trường, của lớp.

Suốt 12 năm đèn sách chăm chỉ và dù cho sáng đi học, chiều chăn trâu, tối mò cua bắt ốc thì kết quả học tập của tôi vẫn xuất sắc hơn phần còn lại so với bạn bè. Tôi luôn là một tấm gương vượt khó trong học tập mà bạn bè và thầy cô đều rất yêu quý và ngưỡng mộ. Thế nhưng cho đến thời điểm tôi gần thi đại học thì có những sự thay đổi lớn diễn ra đối với tôi.

Hôm đó, mẹ kéo tay tôi lại một góc nhà, tôi thấy mắt mẹ ngần ngấn nước, sắc mặt mẹ có vẻ rất mệt mỏi như những đêm dài trằn trọc: “Quân à! Học xong lớp 12 rồi đi vào Nam kiếm việc gì mà làm chứ bây giờ bố mẹ đều bị bệnh, lại còn hai đứa em của con đang học cấp một nữa. Cha mẹ không có tiền để nuôi con học đại học đâu”. Tôi nghe mẹ nói xong vẫn chẳng biết nói gì, chỉ câm lặng nhìn người mẹ già khốn khổ của tôi đang cố lấy tay che đi dòng nước mắt.
Kết quả học tập của tôi luôn là một điều đáng để cho bố mẹ tôi tự hào. Thế nhưng tôi biết điều này rồi sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Rằng một ngày nào đó tôi sẽ không đi học nữa, tôi sẽ từ bỏ bao ước mơ của mình trên con đường học vấn. Tôi thầm nghĩ giờ mà không học đại học thì biết làm gì đây. Mấy năm trước chị gái tôi không được học đại học và bây giờ đang làm công nhân, tôi không muốn như vậy.

Rồi chưa dừng lại, hôm sau họ hàng đến nói với tôi rằng: “Mi không thấy bọn kia đi học 4,5 năm hết cả đống tiền của cha mẹ giờ ngồi về ở nhà đó cả à. Thanh niên học xong cấp 3 đi làm công nhân để dành chút vốn rồi về quê mà lấy vợ”. Nghe xong câu nói đó tôi dường như chết lặng, chả lẽ tôi lại đi cãi lời chú bác, niềm tự hào mấy mươi năm đều là học sinh giỏi của tôi tan biến. Tôi thực sự hụt hẫng với giấc mơ đại học, bởi lúc ấy trong đầu tôi luôn nghĩ rằng chỉ có đại học mới có thể giúp tôi thay đổi cuộc đời.

Kể từ ngày đó tôi vô cùng chán nản, tôi chán ghét cuộc đời này, tôi trách cuộc đời bất công, tôi đổ lỗi cho số phận, tôi ước giá như tôi chưa sinh ra trong một gia đình nghèo đến như vậy thì giờ đây tôi đâu phải rơi vào hoàn cảnh như thế này. Những buổi học của tôi trên lớp trở nên vô vị, tôi nghỉ học nhiều hơn, tôi nghỉ luôn cả kì thi học sinh giỏi Tỉnh gần kề sắp diễn ra mà những năm trước tôi đều đậu giải. Tôi thường xuyên nghỉ học. Thầy cô bạn bè thấy tôi bỏ bê việc học, tôi thay đổi đột ngột, tôi đi chơi game, bida, thậm chí chơi cả bài bạc lô đề… Hình ảnh một cậu học trò chăm ngoan nay đã khác, thực sự thì tôi đã đánh mất chính mình. Thời điểm đó bạn bè thầy cô gọi điện, nhắn tin khuyên tôi liên tục mặc dù không hề biết chuyện gì đã xảy ra với tôi. Cuộc đời tôi chính thức rơi vào bế tắc không có lối thoát. Dần dần tôi đã tin vào số phận mà lúc trước dì nói với tôi rằng:
“Con vua thì mặc áo vua
Con sãi đầu chùa thì quét lá đa”

Trong thời khắc tối tăm nhất của cuộc đời tôi chẳng biết làm gì ngoài la cà những quán bida, quán game. Hôm đó là một ngày bình thường như bao ngày khác, chính xác đó là một buổi chiều nắng nhẹ. Trong lúc đang chơi game một cách vô thức thì tôi nghe tiếng của một người đàn bà với một thằng cháu đang ngồi chơi điện tử ngay bên cạnh tôi, nét mặt người đàn bà tỏ rõ sự bực tức: “Cha mẹ có thể cho mày tiền hoặc rất nhiều tiền nhưng tương lai của mày là do chính mày chọn”. Nó ngay lập tức chạy về chạy về trong vội vã với nét vô cùng mặt sợ hãi. Còn tôi, sau khi nghe xong câu nói đó, tôi bỗng nhiên lặng người, tôi chợt tỉnh ngộ ra một điều gì đó, tôi nhận ra rằng mình đã bỏ bê cuộc đời, tôi đang giết chết tương lai của mình bấy lâu nay.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh của bà lão như một vị thần tiên đã hạ xuống trần thế để cứu vớt cuộc đời của một thằng nhà quê đang sắp sửa kết thúc sự sống. Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi với bản thân, với gia đình, với những người đã hy vọng ở tôi rất nhiều trong thời gian qua. Vậy mà tôi lại từ bỏ cuộc sống của chính mình. Lúc ấy tôi xác định rằng tôi cần làm một cái gì đó, tôi cần phải thay đổi cuộc sống vô nghĩa này…

Từ ngày hôm đó trở về nhà tôi quyết tâm thay đổi, tôi bắt đầu lại một cách nghiêm túc và quyết liệt hơn. Tôi không muốn tương lai của mình sẽ đi vào ngõ cụt. Rồi với những cố gắng trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại kết hợp với đôi chút may mắn tôi đã đậu đại học. Cái ngày mà tôi quyết định vào Sài Gòn tự kiếm tiền ăn học có lẽ là cột mốc đáng nhớ nhất cho sự thay đổi một cách chóng mặt trong thời sinh viên của tôi.

Trước ngày gần kề sắp rời xa quê hương tôi đã suy nghĩ và lo lắng rất nhiều cho cuộc sống của mình nơi phương trời xa. Nhưng rồi tôi nghĩ điều gì đến sẽ đến, và tôi chuẩn bị cho mình một tinh thần mạnh mẽ để đối mặt với khó khăn.

Hôm đó là một buổi sáng bình minh rực rỡ, niềm tự hào và kiêu hãnh của một chàng trai trẻ khi bước qua ánh mặt trời trên một chuyến đi xa. Đó là lần đầu tôi xa quê, sau 28 giờ đồng hồ với biết bao nhiêu là tâm trạng khi ngồi trên chiếc xe khách. Nơi đầu tiên tôi đặt chân đến là Đồng Nai, nơi mà chị gái tôi đang làm việc. Cảm giác lần đầu sống trên một miền đất mới thật là khó tả.

Tôi còn nhớ mãi cái ngày chị gái dẫn tôi lên Sài Gòn nộp hồ sơ, trên đường đi Đồng Nai đến Sài Gòn tôi đã bị người ta lừa sạch tiền, số tiền còn lại chỉ còn hơn 100 ngàn. Ở Bến xe Miền Đông, chúng tôi hỏi bắt xe buýt qua cầu Sài Gòn. Chị tôi ở Đồng Nai gần 2 năm rồi nhưng mà vẫn chưa lên Sài Gòn lần nào, kết quả là bị lạc đường.

Số tiền còn lại quá ít để bắt xe ôm vì còn phải đóng tiền nộp hồ sơ xét tuyển đại học nữa vậy là chị em tôi quyết định đi bộ. Sài Gòn hôm ấy thật là nắng nóng, cứ đi được vài trăm mét chúng tôi lại phải hỏi đường. Không dám ăn trưa và sợ không có tiền về chúng tôi chỉ mua nước suối uống. Một ngày chưa bao giờ dài và mệt mỏi như vậy, 6 tiếng đi bộ chúng tôi đã tìm đến ngôi trường, vừa mệt vừa mừng, nộp hồ sơ xong còn mỗi 50 ngàn, chỉ đủ bắt xe buýt 2 chị em về lại Đồng Nai. Một ngày đáng nhớ trong cuộc đời của tôi.

Một tuần sau đó tôi nhận được giấy báo đậu đại học, hôm ấy chị gái đi làm nên tôi tự lên Sài Gòn nhập học và đóng học phí. Lần này tôi cẩn thận hơn, sau vài tiếng đi buýt cả đi bộ thì tôi đến trường, hoàn thành tất cả các thủ tục. Tôi hẹn một người bạn quen trên Facebook cùng đi tìm trọ. Nhờ mấy chị sinh viên tình nguyện giúp đỡ tôi và hai người bạn tìm được một phòng trọ ở ngoại thành khá là rộng và sạch sẽ. Đặt cọc 500 ngàn và tôi lại về Đồng Nai.

Quay về Đồng Nai và một tuần nữa lên đi học, cuối cùng tôi và hai người bạn quyết định chọn một phòng trọ ở gần bến xe miền Đông với giá 1 triệu. Chúng tôi chọn ở đấy cũng vì gần trường học hơn và đi lại thuận tiện hơn. Một ngày trước khi bắt đầu đi học tôi chuyển lên đó… Trước lúc đi chị gái đưa tôi cho 3 triệu và dặn dò một số thứ… Đó cũng là số tiền duy nhất mà tôi xin gia đình trong suốt một năm nhất với biết bao sóng gió của một thằng sinh viên từ tỉnh lẻ vào Sài thành để tìm một tương lai tươi sáng.

Tôi và hai người bạn mua sắm tất cả những đồ đạc cần thiết ở trong phòng và đặt cọc tiền trọ, tổng cộng mỗi người đóng 1,2 triệu và tôi chỉ còn lại 1,8 triệu trong tay. Ba chúng tôi tuy học cùng trường nhưng mà mỗi người một lớp, giờ học cũng khác nhau nên rất ít khi đi cùng. Những ngày đầu tiên chúng tôi thường nấu ăn chung rất là vui vẻ, có lẽ điều tuyệt vời và may mắn với nhất của tôi là ở cùng với hai người bạn tốt như vậy. Họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những lúc khó khăn.

Hai tuần đầu tiên nhanh chóng trôi qua với rất nhiều niềm vui mới, những người bạn mới và cũng có những bài học mới trong cuộc sống. Lúc ấy tôi cũng chẳng biết sử dụng đồng tiền như thế nào cho hợp lí, khái niệm quản lý tài chính cá nhân đối với tôi còn xa lắm. Tôi vẫn hay đi chơi với đám bạn mỗi lúc tan học, nào là cafe, đá banh, chơi game… Số tiền còn lại mỗi ngày một ít đi. Cho đến lúc chỉ còn hơn 500 ngàn trong túi tôi mới bắt đầu tỉnh táo để suy nghĩ nhiều hơn. Hồi năm nhất thời gian cũng rảnh, mỗi tuần học 5 buổi từ sáng thứ 2 đến sáng thứ 6 còn lại nghỉ học, thời gian rảnh đó có thể đi chơi hoặc về nhà ngủ hoặc thích làm gì thì làm.

Tôi bắt đầu lo lắng cho bản thân, tôi sắp xếp thời gian và tìm cách để đi tìm việc vào mỗi buổi chiều được nghỉ học. Và thế là tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm việc làm thêm của mình. Ngày đầu tiên trong chuỗi ngày đi tìm việc làm thêm đầu tiên, tôi đến xe đạp cũng không có đi, từ cổng bến xe miền Đông tôi đi bộ khắp các tuyến đường của quận Bình Thạnh, thực sự tôi thấy có rất nhiều bảng để tuyển nhân viên phục vụ. Thế nhưng lần đầu tiên đi xin việc, lại đi một mình, tôi rất là sợ, tôi không dám vào để xin việc. Cứ thấy có biển là tuyển nhân viên là tôi lại đứng lại nhìn một hồi lâu. Ánh mắt của tôi càng tăng thêm sự chú ý cho mấy anh bảo vệ gần đấy. Tôi đi từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối mới về, nếu không mệt chắc tôi sẽ đi thêm vài đoạn đường nữa. Kỉ niệm ngày đầu tiên đi tìm việc để làm thêm kết thúc với tâm trạng không mấy thoải mái.

Những ngày sau đó tôi tiếp tục tìm việc, mỗi ngày trôi qua số tiền còn lại càng ít đi, tôi biết tôi không thể sống trong nỗi sợ và tôi quyết tâm hơn khi đi xin việc. Sau những lần đầu tiên mạnh dạn vào hỏi, tôi đã may mắn tìm được cho mình một công việc đầu tiên. Đó là phục vụ ở một nhà hàng nhỏ từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm với mức lương chỉ 10 nghìn đồng mỗi một giờ làm việc . Thỏa thuận xong tất cả, tôi quay về với tâm trạng rất vui. Nhưng rồi công việc đầu tiên ấy của tôi cũng nhanh chóng kết thúc sau hai ngày làm việc. Không phải tôi bị đuổi đâu mà tôi tự ý bỏ việc. Những ngày đó tôi về nằm suy nghĩ, nếu tôi làm như vậy mỗi tháng chỉ được 1,8 triệu, nếu trừ 500 nghìn tiền trọ, thì còn lại 1,3 triệu mỗi tháng không thể nào đủ cho tôi ăn uống, đi lại… Thế là tôi quyết định đi tìm một công việc khác sau khi xin nghỉ việc làm đầu tiên với nhiều trải nghiệm mới.

Sau đó 2 ngày tôi xin được một việc làm mới ở một quán nhậu, ở đây ông chủ bảo là làm từ 4 giờ chiều đến 4 giờ sáng với mức lương 2 triệu, nhưng tôi được bao ăn ở. Tôi trở về suy nghĩ và tính toán, nếu chịu khó làm và tiết kiệm thì mỗi tháng tôi vẫn còn một ít tiền dư lại. Như vậy tôi sẽ có tiền đóng học phí cho kì sau. Tôi quyết định gọi cho ông chủ và mang thêm mấy bộ đồ bỏ vào ba lô đi bộ đến đó. Lúc ấy tôi chỉ nói với 2 cậu bạn cùng phòng là tôi đi làm về muộn nên ở lại mai về.

Ngày đầu tiên làm ở đó tôi đã làm việc chậm chạp rồi lại không thể giao tiếp với mọi người. Khách vào nói gì tôi cũng không hiểu, cố gắng lắm thì chữ được chữ không. Rồi tôi nói gì họ cũng không hiểu luôn. Cứ 15 đến 20 phút tôi lại bị bà quản lý chửi một lần, tôi không biết nói gì để biện minh. Tôi vẫn cứ im lặng và chịu đựng, hai ngày trôi qua tôi luôn nói rằng sẽ cố gắng làm việc tốt hơn. Thế nhưng đến ngày thứ 3 thì tôi bị đuổi mà không hề nhận được một đồng lương nào.

Lấy chứng minh từ bà chủ quán rồi trở về phòng với 2 người bạn của tôi. Thực sự tôi rất buồn, việc tôi có thể làm thì tôi xin nghỉ trong khi việc tôi muốn làm thì lại bị đuổi. Lúc ấy với một cái tôi quá lớn tôi vô cùng đau đớn và nhục nhã, tôi chán ghét cuộc sống này. Chỉ mới bắt đầu thôi mà sao tôi cảm thấy mệt mỏi quá, tôi định bỏ cuộc. Đó là đêm thứ 7 kéo dài vô tận, hay là tôi từ bỏ?

Nhưng giờ mà bỏ cuộc về quê thì họ hàng cười cho, dân làng cười cho à? Lúc trước quyết tâm vậy mà giờ sao yếu đuối vậy? Rất nhiều câu hỏi đang dần hiện ra vào đầu tôi và rồi tôi ngủ quên lúc nào không hay biết.

Hôm sau thức dậy, nghĩ đến cảnh hết sạch tiền tôi lại tiếp tục đi tìm việc. Đó là một ngày chủ nhật tôi chưa bao giờ quên trong ký ức, tôi đi ra khỏi nhà lúc 8 giờ sáng, tôi không nhớ nổi tôi đã đi hết bao nhiêu tuyến đường, đã xin việc ở bao nhiêu chỗ nữa. Cứ thấy bảng tuyển nhân viên là tôi nhảy vào hỏi. Trưa hôm đó tôi chỉ mua một cái bánh mỳ không, ngồi dưới gốc cây ăn và uống chai nước lọc mang theo, 30 phút sau tôi lại tiếp tục hành trình. Rất nhiều nơi tôi chạy vào hỏi, nơi thì đủ người, nơi thì tuyển ca sáng, nơi thì làm cả ngày, nơi thì tuyển nữ, nơi thì làm về rất muộn…

Gần 7 giờ tối, tôi mệt rã rời, trong lúc định quay về trong tuyệt vọng thì tôi thấy một cái bảng ghi là tuyển bảo vệ treo ở góc tường. Tôi bấm số gọi hỏi xem và ngay lập tức có một chị nào đó nghe máy, chị bảo chờ 30 phút chị ấy sẽ đến gặp tôi. Lúc ấy tôi cũng thấm mệt nên ngồi nghỉ lại trong lúc chờ đợi. Gần một tiếng trôi qua tôi định quay về thì thấy chị gọi, tôi gặp chị, tôi hỏi xin việc làm thêm 8 giờ ca tối nhưng không có. Chị bảo làm ca ngày hoặc ca đêm, mỗi ca 12 tiếng và lương là 4 triệu. Lúc ấy mệt quá, tôi không suy nghĩ được nhiều, tôi bảo em về rồi em sẽ gọi lại cho chị xong tôi lại trở về phòng trọ.

Về phòng ăn uống tắm giặt nữa cũng hơn 9 giờ tối, tôi đi ngủ luôn. Sáng hôm sau tôi lại lên trường đi học. Thực sự thì những ngày đầu đi học không có gì áp lực cả, mọi thứ đều rất nhẹ nhàng. Khó khăn duy nhất của tôi đó là tôi không thể giao tiếp được tốt vì giọng nói rất khó hiểu của tôi. Kỉ niệm mà tôi nhớ mãi đó là một lần lên xin vào đoàn trường, tôi rất tự tin lên giới thiệu, tôi nói đến đâu thì cả hội trường vỗ tay đến đó. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào và hãnh diện như vậy nhưng hóa ra lúc tôi xuống hỏi một số bạn tại sao các bạn vỗ tay nhiệt tình thế, thì do là không ai hiểu gì cả. Tôi vô cùng xấu hổ, từ đó tôi quyết tâm thay đổi bởi tôi biết rằng không có cách nào để thay đổi hoàn cảnh nên tôi phải thay đổi chính mình. Và cuối cùng tôi đã làm được.

Quay trở lại vấn đề việc làm. Áp lực cơm áo gạo tiền ngày càng nặng lên vai, lên đầu. Tôi không muốn xin tiền gia đình nữa bởi nếu gửi tiền cho tôi, bố mẹ lại phải chạy vạy đi vay tiền hàng xóm, vay tiền ngân hàng. Và cũng bởi vì lúc trước tôi đã hứa rằng chỉ xin tiền ăn ở một tháng đầu tiên thôi. Hôm đó trong người chỉ còn mấy chục ngàn nữa và tối không suy nghĩ nhiều nữa. Tôi quyết định gọi cho chị giám đốc công ty bảo vệ, tối hôm sau tôi mang chứng minh nhân dân qua và đi làm luôn. Đó cũng là công việc mà tôi gắn bó suốt cả một học kỳ một năm nhất với biết bao áp lực và thử thách của cuộc sống.

Ngày đó, nơi tôi làm việc là một quán game, tôi làm giữ xe ở trong hầm, số lượng xe rất nhiều nên những ngày đầu tiên làm việc khá mệt vì chưa quen với công việc này. Ông chủ quán game là một người mà thời ấy đi làm tôi vô cùng căm ghét bởi cái tính của ông ấy rất chèn ép và bóc lột. Tôi làm bảo vệ giữ xe quán game ca đêm. Đêm nào cũng 12 giờ là khách về hết và khóa cửa hết lại.Thế nhưng ông bảo tôi ngồi trực đến sáng mà không được ngủ, và thỉnh thoảng phải đi lên xuống xem có chuyện gì xảy ra không. Cứ bữa nào ngồi mệt quá ngủ quên là hôm sau ông lại đến mở camera lên cho tôi xem rồi chửi tôi, xúc phạm tôi và gọi về cho công ty bảo trừ lương. Cũng may chị giám đốc công ty chỗ tôi làm rất tốt bụng và chị hiểu cho tôi là sinh viên nên chỉ nhắc nhở tôi. Hầu như ngày nào ông ấy cũng tìm một lý do nào đó để chửi tôi. Những lúc rảnh tôi mang sách ra đọc cũng bị chửi, lâu lâu có người gọi hỏi thăm tôi cũng không dám nghe máy… Khoảng thời gian đầu thật là khó chịu, tôi ghét những người có tiền mà hách dịch. Với những gì xảy ra ở thời điểm ấy tôi không thích những người giàu, tôi cho rằng những người giàu toàn là người xấu… Còn giờ đây thì tôi không còn suy nghĩ đó nữa, bây giờ tôi phải cảm ơn ông chủ của tôi vì nếu không có ông ấy chắc tôi không đủ quyết tâm để thay đổi cuộc sống này. Nếu tôi có tiền tôi sẽ không phải sống trong cảnh đó nữa, và tôi cố gắng nhiều hơn.

Tôi và hai người bạn ở cùng một phòng mà có khi cả hai đến ba tuần liền không gặp nhau, cuối tuần 2 bạn ấy thường về quê thăm nhà vì nhà hai bạn ấy cũng gần, đi tầm ba bốn tiếng là đến nhà. Còn tôi thì hay tham gia những sự kiện, hội thảo về khởi nghiệp, tư duy và các chương trình tình nguyện vào những ngày nghỉ cuối tuần… Tháng đầu tiên đi làm vô cùng khó khăn, cứ như một vòng tuần hoàn, sáng đi học, trưa về ngủ và chiều dậy đi làm đến sáng hôm sau rồi qua trường đi học luôn. Trong balo của tôi luôn chuẩn bị trước quần áo và sách vở, cứ 5h sáng tôi xuống quét dọn tầng hầm, đổ rác rồi đi tắm và thay quần áo, đến 7 giờ thay ca là tôi bắt xe bus qua trường học luôn, vì chỗ tôi làm cách trường học rất là xa, phải đi 2 tuyến xe bus và cả đi bộ nữa nên không kịp về phòng. Hồi năm nhất tôi thường xuyên chậm học.

Có những ngày vô cùng mệt mỏi chỉ muốn ngủ mà không muốn thức dậy nhưng rồi cũng phải dậy đi làm. Có những ngày đi làm về mệt không còn sức qua trường đi học nữa. Có những ngày ngủ quên trên xe bus mà không biết điểm xuống. Có những ngày đổ bệnh rồi cũng tự đi mua thuốc uống và cố gắng dậy đi làm. Có những ngày đuối sức gọi về nhà chỉ biết nói với mẹ là con ổn! mẹ yên tâm, có những ngày vô lớp chỉ để ngủ và sống một cuộc sống vô cùng áp lực… nhiều lần tôi định bỏ cuộc lắm nhưng cuối cùng tôi vẫn cứ tiếp tục bước đi…

Thời điểm đó, tôi đi làm mà thức trắng đêm cả mấy tháng trời, đêm nào cũng rảnh mà không được ngủ, tôi ngồi lại và suy nghĩ nhiều hơn, tôi suy nghĩ về gia đình, về tương lai, về cuộc sống. Quả thật thức đêm mới biết đêm dài, cảm giác chờ đón ánh bình minh đến thật nhanh trong bóng đêm thật là dài dằng dặc. Tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ, tôi sẽ tận dụng khoảng thời gian ấy để làm thêm một điều gì đó… Và rồi tôi mang theo sách đi đọc mỗi đêm… Và thói quen đọc sách của tôi đã bắt đầu cho đến cả hôm nay và mai sau.

Bây giờ nhìn lại có lẽ đó là thời gian mà tôi đọc sách nhiều nhất trong cuộc đời của mình. Cứ 3 đêm tôi đọc xong 2 cuốn sách, càng đọc lại càng nghiện, càng đọc càng thấy hay, tuần nào tôi cũng đi mượn sách đều đặn. Tôi đọc rất nhiều thể loại sách về học làm người, kĩ năng sống, phát triển bản thân, sách tâm lý và cả sách khởi nghiệp kinh doanh…Càng đọc tôi càng có thêm nhiều cách nhìn về cuộc sống, những bài học hay và tinh thần của tôi lạc quan hơn, tư duy tích cực hơn. Tôi thấy rất nhiều người trước đây cũng bắt đầu từ hai bàn tay trắng mà bây giờ họ đã công thành danh toại. Tôi càng có thêm lý do và động lực để cố gắng và tôi cũng tin vào bản thân rằng một ngày nào đó tôi sẽ thành công.

Những lần tham gia sự kiện vào cuối tuần giúp tôi nhận ra rằng tôi không chỉ cần có kiến thức mà tôi còn phải học về phát triển kĩ năng. Tôi bắt đầu đi tìm cho mình những môi trường để hoàn thiện bản thân. Lần đầu tiên, có một cơ hội, có một môi trường cho tôi thay đổi đó chính là một câu lạc bộ ở trung tâm Tiếng Anh. Và rồi khung thời gian của tôi giống như vòng tuần hoàn khép kín. Đó thực sự là một khoảng thời gian kinh điển mà giờ tôi nhìn lại vẫn không dám tin rằng tôi đã làm được. Nhờ đó mà tôi đã thay đổi và phát triển nhiều hơn.

Tôi đã sống liên tục như thế hơn 3 tháng: Sáng đi học, chiều tham gia câu lạc bộ, tối đi làm đến sáng. Cứ liên tục, liên tục như vậy. Thời điểm đó mỗi ngày tôi chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng.

Những ngày nghỉ cuối tuần tôi làm thêm một số việc khác như phát tờ rơi, làm thêm phục vụ cafe, nhà hàng… Để kiếm thêm tiền trang trải nhưng đó không phải là mục đích chính của tôi. Mục đích chính của tôi đó là để trải nghiệm hết tất cả mọi việc mà sinh viên có thể làm vào những khung giờ rảnh . Chính những công việc ấy đã dạy cho tôi những bài học sâu sắc mà tôi có thể mang theo trong hành trang đi suốt cuộc đời. Bài học về sự kiên nhẫn, về tính kiên trì, chăm chỉ, chịu khó, bài học về lòng biết ơn và sự tha thứ.Và rất nhiều bài học khác nữa giúp tôi phát triển sau này.

Dù vài tháng đầu tiên tình hình tài chính hết sức khó khăn, rồi nợ nần khắp nơi… nhưng sau đó tôi đã dần cân bằng lại, tôi tiết kiệm tối đa chi tiêu của mình, buổi sáng tôi ăn mì gói, buổi trưa tôi ăn cơm chay và tối ăn hủ tiếu. Số tiền phát sinh lúc học trên lớp cũng rất là nhiều, nào là tiền sách vở, tiền đồng phục, tiền đoàn, tiền tổ chức các sự kiện vào ngày lễ… Tôi cố gắng lắm mới cân bằng được tất cả mọi thứ, và cũng nhờ sự giúp đỡ rất là nhiều của 2 người bạn cùng phòng. Nên tôi mới có thể vượt qua được thời gian đầu hết sức khó khăn như vậy.

Thời điểm còn hơn 2 tháng nữa đến tết thì cuộc sống của tôi ổn định hơn, tôi đi làm và kiểm soát tài chính tốt hơn, tôi học cách tiết kiệm, chỉ mua những thứ cần thiết chính vì vậy mà mỗi tháng tôi có dư hơn một triệu. Rồi đến ngày nhà trường cho toàn bộ sinh viên nghỉ tết. Có một ông anh tôi quen lúc đi làm gọi điện cho tôi, anh bảo chuẩn bị mua xe mới có một chiếc xe cũ nên muốn để lại cho tôi. Lúc ấy tôi bảo em chỉ có 3 triệu thôi, anh nghĩ cũng thương tôi nên anh bán rẻ cho tôi, coi như giúp tôi có chiếc xe để đi lại và đi làm… Tôi cảm ơn anh rất là nhiều và đó là chiếc xe máy lần đầu tiên tôi mua được từ học kỳ một thời sinh viên năm nhất. Đến bây giờ tôi vẫn rất tự hào về điều đó…

Nghỉ tết trước 10 ngày, lúc ấy bạn bè về quê hết nhưng tôi mua xe hết sạch tiền rồi, đáng lẽ số tiền dành dụm ấy là tôi sẽ để về quê nhưng tôi lại mua xe. Chỉ còn lại 200 nghìn trong người, tôi chạy xe đi hỏi việc làm trong khoảng 10 ngày nhưng không ai nhận cả, ai cũng bảo chỉ nhận làm qua tết. Không còn cách nào khác tôi thử gọi cho chị lúc trước tôi làm giữ xe xem có việc gì làm một tuần không, chị bảo nếu có thì mai chị gọi cho. Sáng hôm sau chị bảo tôi chạy qua huyện Bình Chánh làm, nơi ấy là ngoại thành cách Sài Gòn khá xa, tôi chạy xe máy cũng hơn một tiếng mới đến. Và chị giao cho tôi làm bảo vệ ở đó, tôi làm nguyên ca 24h và tôi làm được hơn 1 tuần ở kho lạnh Lý Nhân.

Chỉ còn hơn 100 nghìn trong người, tôi chi tiêu vô cùng cẩn thận và cả tuần không ăn miếng cơm nào, sáng nhịn ăn, trưa ăn mì gói, tối ăn hủ tiếu. Thực sự là kể lại bạn bè còn không dám tin, đến bây giờ nghĩ lại và viết lên đây tôi còn không dám tin tôi đã sống sót qua một tuần như vậy.

Tới đây tôi mới nhìn thấy nhiều mặt của cuộc sống ngoài xã hội. Những người làm việc trong kho lạnh hầu hết là người dân tộc, những thanh niên trai tráng. Nếu bạn đã một lần vào kho lạnh bạn sẽ hiểu, đây là môi trường độc hại và chỉ những người có sức khỏe mới trụ được ở đây. Cuộc sống của họ ở đây rất nhàm chán, họ làm một ngày 8 tiếng và rồi từ 10 giờ tối họ nhậu tới 2-3 giờ sáng. Cứ ngày nào cũng như ngày nào họ chìm đắm trong men say và bao nhiêu tiền họ làm ra là họ tiêu xài sạch.

Rồi tôi lại thấy những thanh niên làm đường và các công trình giao thông. Tiền lương của họ rất cao, một ngày 400 đến 500 nghìn nhưng mà tết vẫn không có tiền về quê. Nguyên nhân ở đây chính là vì tối nào họ cũng ăn chơi nhậu nhẹt đến gần sáng. Đó là lúc tôi nhận ra rằng không quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng là giữ được bao nhiêu.

Những ngày gần tết bạn bè về quê hết, những người đi làm xa quê cũng lần lượt quay về bên quê hương, đường phố không còn tấp nập như trước và Sài Gòn ngày càng vắng vẻ dần. Rồi 8 ngày trôi qua với nhiều trải nghiệm mới, bài học mới và cho tôi thêm một góc nhìn về cuộc sống muôn màu ở ngoài xã hội. Đêm 28 tôi nhận lương ba triệu hai trăm nghìn lúc hơn 10h tối và chạy xe về Sài Gòn trong đêm khuya, tôi không quên chị quản lý đã giúp đỡ tôi rất nhiều lúc ấy. Về đến căn phòng dãy trọ, mọi người về quê hết không còn một bóng người, tôi chuẩn bị xếp quần áo để mai về quê. Sáng hôm đó tôi chỉ đi mua một bộ đồ thôi, đó là một bộ đồ vest hơn một triệu, một phần thưởng cho một năm cố gắng. Bạn biết không đó là hình ảnh mà tôi mơ về một doanh nhân thành đạt, tôi ao ước một ngày nào đó tôi sẽ làm được… Tối hôm đó tôi lên xe về quê và tôi về nhà là đúng ngày cuối cùng của năm.

Học kỳ 1 của tôi kết thúc với biết bao nhiêu thăng trầm sóng gió, những va chạm, những thử thách, những khó khăn đầu đời của một chàng trai 18 tuổi lần đầu tiên bước chân ra xã hội. Thế nhưng tôi vẫn còn lại đó sau bao sóng gió, tôi vẫn còn lại đó một tinh thần lạc quan, một sự bền gan vững chí và hướng đến một tương lai tươi sáng.

Tôi về quê với một thân hình đen như cục than, không ai nhận ra. Gia đình, người thân và bạn bè ai cũng bảo sao dạo này thê thảm vậy, sao vừa đen vừa gầy xơ xác vậy… Tôi chỉ cười và bảo do Sài Gòn nắng nóng quá. Đâu ai biết được tôi đã trải qua những gì trong thời gian vừa qua. Một học kỳ mà tôi sống trong cảnh vừa thiếu ăn, vừa thiếu ngủ, sống trong hàng trăm thứ áp lực phải lo và hàng ngàn nỗi nhớ. Lo về những miếng cơm ăn mỗi ngày, lo cho tương lai phía trước, lo cho con đường mình đi liệu có đúng không. Tôi cô đơn, tôi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ những đứa em tôi, nhiều đêm suy nghĩ và rồi nước mắt tự nhiên chảy ra. Tôi chưa trưởng thành nhưng tôi hiểu được phần nào cuộc sống quanh ta.

Tôi về nhà không lâu nhưng cũng có một cái tết vô cùng ý nghĩa, ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Một cái tết hầu như tôi không chi tiêu gì cả ngoài một vài lần đi chơi với bạn bè. Tôi có những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình thân yêu, bên những người bạn lâu ngày mới gặp lại. Để tôi nhận ra rằng đôi khi tôi phải đi thật xa thì ta mới biết được đâu là nơi ta muốn quay về nhất…

Sau hơn một tuần ở quê, tôi lại tiếp tục vào Sài Gòn vì tương lai sự nghiệp. Tôi vào đến bến xe Miền Đông thì lúc chỉ còn hơn 300 nghìn. Lấy chiếc xe máy mà tôi gửi hết gần 200 nghìn, tôi còn lại vỏn vẹn hơn 100 nghìn trong túi nhưng điều này không làm tôi lo lắng bởi tôi đã quen với cuộc sống khó khăn rồi, có thể bạn chưa trải qua lần nào thì bạn rất sợ rơi vào cảnh đó, nhưng sau vài lần sống trong túng thiếu thì đối với bạn cũng là chuyện bình thường mà thôi. Tôi về phòng với hai người bạn cũ, hơi mệt rồi tôi nghỉ một tí. Sáng hôm sau tôi chạy xe đi xin việc vòng quanh đó, sau một số nơi thì tôi làm ở một quán cà phê từ 14 giờ chiều tới 22 giờ tối. Cuộc sống những lúc đầu thì vẫn còn nhiều khó khăn nhưng rồi dần dần tất cả đều ổn định.

Những ngày nghỉ cuối tuần tôi vẫn thường tham gia các sự kiện của trường, các chương trình tình nguyện và các buổi hội thảo… Thỉnh thoảng tôi vẫn trải nghiệm thêm những việc làm mới và mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui kèm theo những bài học…

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, đầu tháng 5 bắt đầu ôn thi nên tôi xin nghỉ làm để ôn thi, may mắn đã giúp tôi vượt qua tất cả… Nghỉ hè năm nhất tôi không về quê thăm nhà như các bạn bè của tôi mà tôi ở lại làm để kiếm tiền đóng học phí cho năm sau.

Thời gian nghỉ hè gần ba tháng nên tôi quyết định tìm cơ hội mới học tập và phát triển, tôi đi xin việc ở môi trường doanh nghiệp. Lần đầu tiên đi phỏng vấn xin việc với phong cách quần tây, áo sơ mi trắng kèm theo cà vạt và giày tây, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành và chững chạc và tự tin hơn rất nhiều. Buổi sáng mà tôi chưa bao giờ quên trong cuộc đời của mình. Một buổi sáng với biết bao điều lo lắng, hồi hộp, căng thẳng… Công ty chỉ nhận thêm 3 nhân viên trong số 15 người đi phỏng vấn ứng tuyển. Vượt qua vòng một khá nhẹ nhàng, tôi bước vào vòng hai khá tự tin với những câu trả lời rất là nhanh nhẹn không chút bối rối. Đến vòng cuối là do chị giám đốc sàn phỏng vấn. Cuối cùng tôi đã được nhận, tôi trở thành nhân viên trẻ nhất công ty khi chưa đầy 19 tuổi. Rất nhiều anh chị bị loại khi mang đến một tấm bằng đại học mà không có thêm một kĩ năng nào, tôi lúc ấy chỉ là một thằng sinh viên năm nhất, chưa có bằng đại học, nhưng tôi có kĩ năng giao tiếp và kinh nghiệm trong quá trình tham gia những hoạt động ở các câu lạc bộ và các sự kiện… Tôi tự tin hơn và giao tiếp tốt hơn… Một lần nữa tôi nhận ra kĩ năng quan trọng hơn kiến thức…

Lần đầu tiên tôi bắt đầu trong một môi trường hoàn toàn khác hẳn những công việc làm thêm trước đây, không có chuyện ăn mang tự do, không có chuyện muốn đi làm mấy giờ thì đi, không có chuyện làm việc không nghiêm túc…Thời gian đầu thật là khó để làm quen với môi trường công ty, nhưng dần tôi cũng làm được, tôi luôn tự hào là nhân viên trẻ nhất công ty và luôn được các anh chị nhiệt tình giúp đỡ. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng tôi được làm việc trong một doanh nghiệp từ năm 18 tuổi.

Thực sự làm ở đây vô cùng khó khăn và áp lực, áp lực bởi doanh số, áp lực bởi những miếng cơm mỗi ngày, áp lực bởi tiền lương không đủ để trang trải… Cuộc sống ngày càng khó khăn. Có lần tôi định từ bỏ về đi làm thêm như trước cho an toàn, mỗi tháng tôi để dành thêm được một ít tiền. Nhưng tôi luôn tự nhủ sẽ không có cơ hội nào nữa, tôi cố gắng và kiên trì. Ngày đó tôi được công ty đào tạo một tuần làm luôn. Công việc lúc ấy rất đơn giản, chỉ là một chiếc điện thoại và một tệp danh sách khách hàng với hàng trăm số điện thoại. Chúng tôi bán hàng qua điện thoại.

Tôi không thể nhớ là tôi đã gọi cho bao nhiêu ngàn người nữa, tôi không biết tôi đã bị từ chối bao nhiêu lần, thậm chí bị chửi nữa… Bạn hãy tưởng tượng công việc của tôi là gọi điện cho khách hàng từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa và 13 giờ chiều lại tiếp tục gọi điện đến 17 giờ. Một tháng trôi qua không có kết quả gì, tôi cảm thấy chán nản, không có hợp đồng nào đồng nghĩa với việc áp lực ngày càng đè nặng lên. Có những ngày nằm ngủ cũng mơ thấy đang gọi điện thoại.

Nghỉ giữa chừng cũng chẳng được gì, tôi quyết tâm một tháng cuối cùng trong hai tháng thử việc, nếu thất bại tôi vẫn có nhiều bài học. Đầu tháng thứ hai tôi may mắn khi có hợp đồng đầu tiên. Khách hàng là một chị ở Biên Hòa, tôi và chị xem dự án ở Bình Dương xong, chị đặt cọc tiền ngay và tôi vô cùng vui mừng chạy về công ty. Ngày đó cuộc sống đối với tôi cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Lần đầu nhận số tiền hoa hồng hơn 10 triệu, tôi đã vỡ òa cảm xúc. Tôi làm hết tháng thứ ba thì nghỉ để tập trung cho việc học, ba tháng với 3 cái hợp đồng cộng thêm cả tiền lương tôi đã nhận tổng cộng gần 50 triệu. Đó là một thành quả ngọt ngào đối với tôi, tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi làm được nhiều điều mà bạn bè tôi không làm được. Tôi trả hết số tiền nợ, tôi học thêm một số khóa học về kĩ năng, tôi mua chiếc laptop đầu tiên trong cuộc đời và tôi đủ tiền đóng học phí cho cả năm sau với bao sự nổ lực, cố gắng và kiên trì. Tất cả đều từ đôi tay của tôi lập nên. Dù mẹ tôi chả bao giờ khen về những thành tích của tôi nhưng tôi biết mẹ tôi rất tự hào về những gì tôi đã làm được. Học kì 2 của tôi kết thúc với câu chuyện này, đó là một câu chuyện mà tôi thấy rất đáng để kể cho các bạn.

Nhìn lại khoảng thời gian của sinh viên năm nhất, từ cái lúc bước vào Sài Gòn không biết đường sá gì, nói thì không ai hiểu đến cái lúc tôi đã tự lập được. Trải qua biết bao nhiêu khó khăn và thử thách, tôi đã làm được trong khi rất nhiều bạn bè của tôi đã bỏ cuộc. Những bài học thấm thía cuộc đời, những trải nghiệm vô cùng quý giá và là hành trang của tuổi trẻ tôi luôn mang theo bên mình đến tận sau này…

Sinh viên năm nhất, tôi đã trải qua hàng chục công việc làm thêm để mưu sinh. Tôi làm phục vụ nhà hàng, phục vụ quán café, quán nhậu, tôi làm phát tờ rơi, làm rửa chén, dọn vệ sinh, làm bảo vệ, làm giữ xe và làm rất nhiều việc khác nữa…

Sinh viên năm nhất tôi không phải là một người học giỏi, tôi không có thành tích gì đáng kể ở trên trường, tôi cũng không đạt được học bổng như đám bạn tôi. Điều duy nhất mà tôi có được có lẽ là kĩ năng tự lập, tôi đã tự nuôi sống chính mình. Dù không làm được gì nhiều để báo hiếu cha mẹ nhưng ít ra tôi không còn là gánh nặng với ba mẹ của tôi nữa. Tôi đã đứng lên trên đôi chân của chính mình, dù rất là tự hào với bản thân nhưng tôi biết con đường phía trước còn nhiều chông gai và tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa và không ngừng cố gắng… Những gì tôi làm được đó chỉ là bước đầu, là nền tảng để tôi tiếp tục tới tương lai.

Thực sự thì tôi đã tự lập như vậy đó, trải qua bao nhiêu cảm xúc, niềm vui có, nỗi buồn có, nước mắt có, nụ cười có, đau đớn có, tủi nhục cũng có, giận hờn có và yếu đuối cũng có. Cả những lần gần như suy sụp và muốn bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua tất cả. Tôi biết hoàn cảnh là không giống nhau, có thể gia đình bạn giàu có hơn tôi, cũng có thể gia đình bạn khó khăn hơn tôi rất nhiều nhưng chúng ta đều có chung một mục tiêu là tự lập. Và tự lập thì không liên quan đến hoàn cảnh, tự lập đâu có liên quan đến gia đình, tự lập là tự bản thân làm chủ cuộc sống của chính bạn mà, chính vì vậy hoàn cảnh tốt hay xấu không quan trọng, quan trọng là bản thân bạn như thế nào mà thôi. Và chỉ cần bạn thực sự đủ khao khát, đủ mong muốn thì bạn rồi cũng sẽ làm được mà thôi. Tôi làm được, bạn cũng sẽ làm được. Hãy tin vào chính mình.

logonangmaxuni
cropped-325a2deb8fa57bfb22b4-1.png
46a2a06d5579a127f868 (2)